Chương 2: Mối quan hệ Anh
– Pháp – Mỹ trước chiến tranh thế giới lần thứ II
2.1 Chính sách đối ngoại
của Anh – Pháp – Mỹ trước nguy cơ thế chiến II bùng nổ
2.1.1 Chính sách đối
ngoại của Anh trước nguy cơ thế chiến II bùng nổ
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất nền kinh tế nước Anh suy
giảm thì các nước ngoài châu Âu như Mỹ, Nhật không chịu nhiều hậu quả của chiến
tranh, vươn lên mạnh mẽ. Vị thế bá chủ của nước Anh bị lung lay. Anh buộc phải
nhân nhượng Mỹ tại hội nghị Vécxai và hội nghị Oashinhton. Anh cùng các nước đế
quốc can thiệp vào nước Nga Xô Viết nhưng thất bại. Đến ngày 8/8/1919, Anh kí
hiệp định hòa bình, công nhận nền độc lập của Apganixtan. Trong thời kì Công
đảng nắm chính quyền, chính phủ của đảng này đã công nhận Liên Xô và có dự định
ký kết với Liên Xô. Tháng 7/1922, Anh được Hội Quốc Liên trao cho quyền ủy trị
đối với Palextin, kiểm soát tư pháp, đối nội, đối ngoại và đóng quân ở nước
này.
Đến năm 1926, Anh thành lập Khối Cộng đồng Anh. Chính phủ Anh tiếp
tục chính sách câu kết với Mỹ nâng đỡ Đức, dùng Đức làm công cụ để tấn công
Liên Xô. Năm 1927, chính phủ Bảo thủ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô.
Nhưng đến năm 1928 khi Công đảng trở lại cầm quyền, chính phủ Anh 1 lần nữa tái
lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Đến tháng 11/1931, chính phủ Anh ban bố “Quy chế Wesminster” công nhận quyền tự
do của các nước tự trị trong các lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Mặt khác, Anh
dùng chính sách bảo hộ thuế quan, ưu đãi buôn bán trong nội bộ đế quốc, chống
lại sự cạnh tranh của các nước đế quốc khác, đã tạo cơ hội cho giới tư bản lũng
đoạn Anh phát triển, song lại tăng thêm mâu thuẫn với các nước đế quốc khác.
Nhìn chung trong những năm trước chiến tranh, mâu thuẫn giữa nước
Anh với các nước phát xít Đức, Ý, Nhật ngày càng gia tăng nhưng chính phủ Anh
vẫn tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao bảo thủ, mù quáng, lạnh nhạt với
Liên Xô và ve vãn khối phát xít. Giới cầm quyền Anh trước sau đều cự tuyệt lời
đề nghị từ phía Liên Xô về một hệ thống an ninh chung, đều mà chính người dân
Anh trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 27/6/1935 mong muốn. Còn đối với Đức: năm
1935, Anh ký với nước này hiệp ước Hải quân mà thực chất là dung túng cho Đức
phát triển lực lượng hải quân với quy mô lớn. Chính phủ Anh tuyên bố cái gọi là
“không can thiệp” mà thực chất là
khuyến khích cho hành động xâm lược của Đức, Ý, Nhật và hướng ngọn lửa chiến
tranh về phía Liên Xô. Tuy nhiên, do vai trò của Liên Xô nên Anh đã nhiều lần
thay đổi thái độ. Năm 1934, Anh đề nghị Liên Xô gia nhập Hội Quốc Liên và năm
sau Anh cử phái đoàn do ngoại trưởng Antonio Eden sang Matxcơva đàm phán với
I.V. Stalin và V.M. Môlôtôp. Song từ năm 1936, Anh lại tìm mọi cách để gây ra
cuộc chiến tranh Xô – Đức.
Đến ngày 29/9/1938, Anh ký với Đức Hiệp định không xâm phạm lẫn
nhau. Câu tuyên bố của Thủ tướng N. Sămbéclanh với người Anh: “Tôi sẽ mang lại hòa bình cho các bạn”
trở thành lời hức hẹn dối trá. Có thể thấy rằng chính những hiệp định này là
đỉnh cao của chính sách đối ngoại phản động của nước Anh trong giai đoạn này
nhằm thức đẩy Đức tấn công Liên Xô.
2.1.2 Chính sách đối
ngoại của Pháp trước nguy cơ thế chiến II bùng nổ
Tháng 11/1919 Cơlêmăngxô lên làm thủ tướng, chính phủ Pháp tìm mọi
cách để giải quyết vấn đề Đức theo hướng có lợi nhất cho mình. Nhưng các nước
Anh, Mỹ lại không muốn làm yếu Đức thêm nữa. Do vậy, chính phủ Pháp thi hành
chính sách chống Nga: cùng Anh, Mỹ can thiệp vũ trang chống Nga Xô Viết, liên
minh với một số nước khác bao vây kinh tế Nga. Đồng thời thực hiện chính sách
đàn áp thuộc địa. Tuy nhiên, những chính sách đối ngoại này của Pháp không thu
lại nhiều kết quả: Pháp phải rút quân khỏi vùng Rua và thất bại trong âm mưu
chống Liên Xô.
Năm 1924, Liên minh cánh tả do Đảng Xã hội là nòng cốt lên cầm
quyền. Chính phủ này ban bố lệnh ân xá…rút quân khỏi vùng Rua, chấp nhận kế
hoạch Đaoxơ, đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô…Tuy nhiên, những hành động
thiên hữu (ký hiệp ước Lôcácnô với Đức) đã làm suy giảm uy tín của nước Pháp
trên trường quốc tế.
Ngày 27/7/1929, sau khi Bơriăn lên cầm quyền, ông ta muốn thành
lập khối liên minh các nước Tây Âu dưới sự lãnh đạo của Pháp. Nhưng kế hoạch
không thực hiện được do vấp phải sự chống đối của người dân trong nước và không
được 1 số nước tư bản chủ yếu ủng hộ, đặc biệt là Anh, Mỹ [1,tr121]. Tuy nhiên
sự kiện này đánh dấu thời kỳ phản động của giới cầm quyền ở Pháp trước khi cuộc
khủng hoảng kinh tế nổ ra. Đến tháng 11/1932, chính phủ của Eriô ký hiệp ước
không xâm phạm với Liên Xô. Tuy nhiên, đến tháng 9/1938, Pháp cùng với Anh,
Đức, Ý ký hiệp ước Muních đã gây ra những làn sóng phản kháng mạnh mẽ từ phía
Đảng Cộng sản và đông đảo quần chúng nhân dân Pháp. Do những hành động phản bội
của giới cầm quyền Pháp, đến đây nền chính trị Pháp đi vào thời kỳ phản động.
Cùng với Anh và Mỹ làm ngơ trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa phát xít và hướng
cuộc chiến tranh về phía của Liên Xô
2.1.3 Chính sách đối
ngoại của Mỹ trước nguy cơ thế chiến II bùng nổ
Ngày 8/1/1918, Tổng thống Mỹ Uynxơn đưa ra kế hoạch 14 điểm với
nội dung chủ yếu là quyền tự quyết cho các dân tộc, các nước tham chiến phải
giải trừ quân bị, thành lập một tổ chức quốc tế có khả năng giải quyết các xung
đột giữa các nước trên thế giới bằng con đường ngoại giao hòa bình. Ngoài ra,
kế hoạch này cũng đặt ra nhiều điều kiện tiên quyết với Đức để bắt đầu đàm
phán, các dân tộc bị Áo – Hung và Thổ Nhĩ Kỳ thống trị có quyền tự quyết nếu họ
muốn tách ra thành các quốc gia độc lập. Về sau, trong ngày độc lập 4/7/1918,
Uynxơn nói rõ và gọn hơn mục tiêu của Mỹ trong chiến tranh. Tiếp đó, Tổng thống
Uynxơn vượt Đại Tây Dương sang dự Hội nghị Pari.
Đến năm 1921, Warren G.Hardinh người của Đảng Cộng hòa lên làm
Tổng thống. Chính phủ của Warren G.Hardinh chủ trương trở lại chủ nghĩa cô lập
truyền thống, không tham gia Hội Quốc Liên để khỏi bị ràng buộc. Tháng 8/1921,
Mỹ ký hiệp ước riêng lẻ với Đức, để bày tỏ sự không hài lòng với hiệp ước
Vécxai, tổ chức hội nghị Oashinton đưa lại nhiều lợi ích cho Mỹ. Tại châu Âu Mỹ
đề ra kế hoạch Đaoxơ, rồi Yơng đưa lại sự phục hồi của chủ nghĩa phátxít Đức.
Đến thời của Tổng thống F.Rudơven thì chính sách đối ngoại của Mỹ
cũng có những thay đổi lớn. Đối với Mỹ Latinh F.Rudơven tray thế “Chính sách chiếc gậy lớn” can thiệp vũ
trang thô bạo bằng “Chính sách láng giềng
thân thiện” mềm dẻo hơn. Trên tinh
thần đó, năm 1934, chính phủ Mỹ đã
thương lượng với Cuba và ký kết hiệp ước hủy bỏ “Tu chính án Platt” chấm dứt các cuộc xâm lược vũ trang vào Cuba,
Haiti, Đôminit, ký với Panama Hiệp ước về kinh đào hạn chế sự kiểm soát của Mỹ
đối với kinh đào này, ký Hiệp ước thương mại với các nước Mỹ La Tinh, hứa hẹn
trao trả độc lập. Một ví dụ điển hình là chính sách với Mêxicô. Theo Hiến pháp
Mêxicô, chính phủ này quốc hữu hóa các công ty dầu lửa của Mỹ. Thay vì đưa quân
can thiệp trước đây, F.Rudơven chỉ đề nghị Mêxicô một khoảng bồi thường tượng
trưng. Tuy Mỹ có thiệt thòi về tài chính, song đổi lại họ được sự ủng hộ quý
báu của láng giềng trong tương lai. Thực chất của “Chính sách láng giềng thân thiện” là một biểu hiện sớm của chủ nghĩa thực dân
kiểu mới mà Mỹ sẽ sử dụng phổ biến trong tương lai, nhằm đối phó lại với các
cuộc đấu tranh chống Mỹ và củng cố địa vị của nước Mỹ ở khu vực Mỹ La Tinh.
Thậm chí tại Hội nghị ở Bêunốt, Tổng thống Mỹ kêu gọi các nước Tây bán cầu cùng
đoàn kết chống lại nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Trước sau, chính sách này
nhằm duy trì sự bốc lột của Mỹ, thu lợi nhuận cho các tập đoàn tư bản lũng
đoạn.
Để thực hiện mưu đồ làm bá chủ thế giới sau này, F.Rudơven đưa ra “Chính sách nhằm đúng từ xa” [4,tr129].
Sau 15 năm theo đuổi chính sách chống nước Nga Xô Viết, rồi Liên Xô, chính phủ
Mỹ do F.Rudơven đứng đầu đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên
Xô. Tiếp đó Mỹ ký kết các hiệp định thương mại với Liên Xô, thúc đẩy thương mại
giữa hai nước. Những động thái này cho thấy mặt tích cực của chính sách đối
ngoại của Mỹ trong những năm 30. Mặt khác nó xuất phát từ quyền lợi của Mỹ, nhưng
về thực chất thì chính phủ Mỹ vẫn theo đuổi chính sách “chống cộng” truyền thống của mình.
Đối với các vấn đề nóng bỏng quốc tế nửa sau thập niên 30, chính
phủ Mỹ vừa muốn dùng bàn tay các nước phát xít Đức, Ý, Nhật để chống Liên Xô,
đồng thời lại liên minh với Anh, Pháp chống khối đế quốc phátxit. Mục đích của
Mỹ là cho các nước đánh nhau, bán vũ khí cho cả hai bên, Mỹ ở giữa hưởng lợi.
Đó là chính sách 2 mặt có phần thiếu trách nhiệm trước nguy cơ chủ nghĩa phát
xít và chiến tranh đang đe dọa nền hòa bình và an ninh thế giới. Hàng loạt các
đạo luật (1935 và 1934) được ban bố để Mỹ giữ vai trò trung lập: cấm bán vật
liệu chiến tranh và cấm cho các nước tham chiến vay tiền, cấm công dân Mỹ đi du
lịch trên tàu của các nước tham chiến. Các nước muốn mua hàng không bị cấm của
Mỹ thì phải trả tiền mặt và tự chở lấy (Luật Cash và Carry). Đối với cuộc giao
tranh ngoài biên giới Mỹ: làm ngơ trước hành động xâm lược của phát xít Ý ở Bắc
Phi, của Nhật ở Trung Quốc, từ chối lời đề nghị của Liên Xô lập liên minh chống
Phát xít. Do đó, chính phủ Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm trong việc kí kết
hiệp ước Muynich (9/1938), khuyến khích đến dung túng cho chủ nghĩa phátxít
phát động chiến tranh thế giới.
2.2 Mối quan hệ giữa ba
nước Anh, Pháp và Mỹ trước nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ
2.2.1 Sự hình thành trục
đế quốc Anh - Pháp - Mỹ
Mặt dầu giới cầm quyền các nước tư bản phương Tây cố tình xoa dịu
mâu thuẫn với các nước phát xít để hướng cuộc chiến tranh về phía Liên Xô,
nhưng mâu thuẫn giữa họ là không thể hòa hoản và xoa dịu nổi. Quy luật phát
triển không đồng đều và quy luật cạnh tranh đã làm cho mâu thuẫn giữa các nước
này ngày một gia tăng, đặc biệt là giữa Anh và Đức.
Các công ty độc quyền Đức đã thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của các công
ty độc quyền Anh trên các thị trường than và thép ở Hà Lan, Bỉ, Hy Lạp…Đến cuối
năm 1937, Đức đã tăng cường vị trí của mình ở các nước Đông Nam Âu và củng cố
vị trí của mình ở vùng Trung và Cận Đông, đặc biệt là Thổ.
Về phía mình, Anh cố chống lại Đức bằng cách liên hiệp với Pháp,
tổ chức phản công ở Đông Nam Âu và Trung Đông bằng cách cho vay và gây áp lực
đối với giới thống trị các nước này. Quan hệ giữa Anh và Đức vì thế mà diễn ra
ngày một căng thẳng, đặc biệt là khi Đức đòi lại các thuộc địa bị giao cho các nước thắng trận sau chiến
tranh thế giới thứ nhất: Tây Nam Phi, Camarum, Tôgô [4,tr166].
Bên cạnh đó mâu thuẫn giữa Mỹ và Đức cũng trở nên gây gắt, mâu
thuẫn này bắt nguồn từ sự cố gắng làm bá
chủ thế giới của cả 2 nước. Các nước phát xít tấn công vào các vị trí kinh tế
của Mỹ ở Viễn Đông và Thái Bình Dương. Đều này không tránh khỏi việc thúc đẩy
Mỹ ngày càng xích lại gần với Anh và Pháp hơn. Đưa 3 nước này đi đến một liên
minh chính trị quân sự tạm thời do Mỹ lãnh đạo.
Mâu thuẫn giữa Pháp và Đức là do ý muốn thanh toán hệ thống hòa
ước Vécxai Oashinhton, thống trị lục địa châu Âu. Ở Rumani, Tiệp Khắc, Thổ,
Balan cuộc đấu tranh ngầm giữa các công ty độc quyền Pháp và Đức không ngừng
diễn ra. Các liên minh của Pháp ở châu Âu có nguy cơ bị sụp đổ. Những kế hoạch
thuộc địa của Đức đe dọa các thuộc địa của Pháp ở châu Phi cũng gây ra sự đe
dọa cho giới cầm quyền Pháp.
Mâu thẫu giữa Anh, Mỹ với Nhật cũng ngày càng gây gắt do âm mưu
của Nhật muốn độc chiếm Trung Quốc, gạt bỏ quyền lợi của Anh, Mỹ ở Trung Quốc
và Đông Nam Á. Hồng thiết lập quyền bá chủ của Nhật ở Thái Bình Dương và Viễn
Đông. Đồng thời mâu thuẫn giữa Pháp, Anh với Ý cũng gia tăng do tham vọng của Ý
muốn biến Địa Trung Hải thành “cái hồ của
Ý” [4,tr166]. Chiếm các tỉnh của Pháp như Nixơ, Xavoa và đất đai của Pháp ở
Bắc Phi và những thuộc địa của Anh ở Trung Đông và châu Phi.
Đến tháng 10/1936, ngoại trưởng Ý là Xianô bay sang Đức tiến hành
đàn phám với các nhà lãnh đạo Đức về “chính
sách chung của 2 nước”. Sau cuộc đàm phán, ngày 1/11/1936 Mútxôlini tuyên
bố sự tồn tại của “Trục Béc lin - Rô ma”. Cũng trong tháng đó, Đức đã ký
với Nhật hiệp định chống Quốc tế cộng sản. Một năm sau, ngày 6/11/1937, theo đề
nghị của chính phủ Đức, Ý cũng chính thức gia nhập “hiệp định chống Quốc tế cộng sản”. Như thế là đã hình thành nên 1 “Trục tam giác Béclin – Rôma – Tôkiô”.
Trước sự hình thành “Trục
tam giác Béclin – Rôma – Tôk ô” thì giới thống trị của ba nước Anh - Pháp -
Mỹ cũng phải đưa ra những lời tuyên bố chống chủ nghĩa Phát xít và cam kết ủng
hộ lẫn nhau khi bị tấn công. Trục đế quốc Anh – Pháp – Mỹ đã được hình thành.
Như vậy, trước sự hình thành trục tam giác Béclin – Rôma – Tôkyô,
các nước Anh – Pháp – Mỹ buộc lòng phải có những cam kết với nhau, trên cơ sở
đó trục đế quốc Anh – Pháp – Mỹ hình thành và ngày càng được củng cố. Trong khi
Anh và Pháp thì tỏ ra nhân nhượng, không có động thái nào rõ ràng trước hành động
bành trướng của chủ nghĩa Phát xít và phần nào đó tiếp tay cho chủ nghĩa phát
xít thì Mỹ lại đứng trung lập. Các nước Anh – Pháp – Mỹ do cùng chung quyền
lợi, muốn giữ nguyên trật tự thế giới. Họ lo sợ chủ nghĩa phát xít nhưng lại
thù ghét chủ nghĩa cộng sản. Vì thế họ đã thi hành chính sách 2 mặt: Một mặt
hợp tác với Liên Xô để tăng cường sức mạnh cho mình; mặt khác họ thỏa hiệp và
nhượng bộ phát xít để tránh chiến tranh về phía mình và hướng cuộc chiến tranh
về phía Liên Xô.
2.2.2 Thái độ của Anh –
Pháp – Mỹ đối với các bên tham chiến
2.2.2.1 Thái độ của Anh –
Pháp – Mỹ đối với phe phát xít
Mặt dầu mâu thuẫn sâu sắc với chủ nghĩa phát xít song Anh, Pháp và
Mỹ luôn muốn dùng bàn tay của chủ nghĩa phát xít để tấn công Liên Xô nên đã thi
hành chính sách nhất quán: nuôi dưỡng, dung túng, xoa dịu và nhượng bộ cho chủ
nghĩa phátxít dù có phải hy sinh nhiều quyền lợi của mình cũng như của các nước
khác. Do vậy, giới cầm quyền Anh – Pháp đã thi hành chính sách nhằm khôi phục
chủ nghĩa quân phiệt Đức: “Năm 1924, các nước Anh – Pháp – Mỹ thông qua kế
hoạch Đaoxơ cho Đức vay tiền để phát triển kinh tế. Năm 1925 ký hiệp ước
Lôcácnô bảo đảm tôn trọng biên giới phía Tây của nước Đức và mời Đức tham gia
vào Hội Quốc Liên. Từ đó Đức nghiễm nhiên sánh ngang hành với các nước thắng
trận trong Hội Quốc Liên” [3,tr33].
Sau khi phátxít lên nắm chính quyền ở Đức thì quan hệ kinh tế và
thương mại giữa tư bản độc quyền Mỹ và Đức được mở rộng và chặt chẽ hơn trước.
Hơn 200 công ty tư bản độc quyền Mỹ góp sức vào việc tái vũ trang nước Đức. Tư
bản Anh ký với Đức hiệp định hải quân, không quân. Làm như vậy chính phủ Anh –
Pháp – Mỹ tin rằng phát xít Đức sẽ dựa vào sự giúp đỡ của họ để tấn công Liên
Xô. Còn Hítle thì lợi dụng chính sách chống Liên Xô của Anh – Pháp – Mỹ để
chuẩn bị chiến tranh. Y đã từng tuyên bố với các cận thần của Y rằng: “Tôi phải chơi bóng bàn với chủ nghĩa tư
bản” [3,tr33].
Chính thái độ làm ngơ này của Anh, Pháp, Mỹ đã khiến cho chủ nghĩa
phátxít càng mạnh tay hơn trong việc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thế giới lần
thứ hai. Mãi cho đến khi trục tam giác Béclin – Rôma – Tôkyô hình thành thì ba
nước Anh, Pháp, Mỹ mới có những động thái để chống lại chủ nghĩa phát xít. Giới
cầm quyền của các nước này đã xích lại gần nhau hơn và tuyên bố chống lại chủ
nghĩa phát xít. Tuy nhiên, lúc đầu những lời tuyên bố của giới cầm quyền Anh,
Pháp, Mỹ chỉ là trên chót lưỡi. Họ không thực sự thực hiện triệt để những gì mà
mình đã tuyên bố cũng như không thực hiện triệt để những gì mà ba nước này đã
ký kết với Liên Xô. Với ảo tưởng là có
thể lợi dụng được chủ nghĩa phát xít tấn công Liên Xô nên các nhà cầm quyền
Anh, Pháp, Mỹ đã thi hành “chính sách
không can thiệp” hay “trung lập”
và sau này là “chính sách hai mặt”.
Những chính sách này đã bọc lộ rõ thái độ dung túng, nhân nhượng, không có động
thái rõ ràng của các nước trong khối đế quốc trước hành động bành trướng của
chủ nghĩa phát xít. Họ lo sợ chủ nghĩa phát xít nhưng lại thù ghét chủ nghĩa
Công sản. Chính đều này là tác nhân quan trọng dẫn đến một cuộc chiến tranh thế
giới lần thứ hai_cuộc chiến tranh đã để lại những hậu quả to lớn chưa từng
thấy trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.
2.2.2.2 Thái độ của Anh –
Pháp – Mỹ đối với Liên Xô
Sau khi cách mạng tháng
Mười Nga giành thắng lợi, nước Nga Xô Viết ra đời đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào
đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Đều này đã đe
dọa trực tiếp đến hệ thống thuộc địa của các nước tư bản, đặc biệt là Anh,
Pháp, Mỹ. Do vậy, Anh, Pháp, Mỹ luôn có thái độ thù địch với Liên Xô, các nước
này tìm đủ mọi cách để ngăn chặn ảnh hưởng cũng như tiêu diệt Nhà nước công
nông đầu tiên trên thế giới. Họ nhanh chống thống nhất nguyên tắc phải tăng cường
can thiệp vũ trang tấn công Liên Xô, ủng hộ các nước láng giềng Balan, Rumani
tấn công, lật đổ chính quyền Xô Viết. Trong giai đoạn này các nước đế quốc Anh,
Pháp, Mỹ xem chủ chủ nghĩa cộng sản là mối đe dọa nguy hiểm nhất đến sự thống
trị của họ. Cho nên các nước này đã thi hành chính sách hai mặt với Liên Xô:
vừa hợp tác với Liên Xô chống phát xít, vừa lợi dụng bàn tay của chủ nghĩa phát
xít để tiều diệt Liên Xô. Đều này cho thấy thái độ của Anh, Pháp, Mỹ là nhất
quán trong vấn đề tiêu diệt Liên Xô_tiêu diệt bức tường thành của chủ nghĩa
cộng sản. Còn những vấn đề khác liên quan đến quyền lợi của nước Liên Xô thì
các nước đế quốc lờ đi. Chính nhà lý luận quân sự người Anh đã phải thừa nhận
các nước đồng minh “đã làm quá ít” để
trả cho nước Nga những gì nước Nga “đã hi
sinh để mang lại rất nhiều cho đồng minh” [1,tr178].
Tuy nhiên, khi cuộc chiến
tranh thế giới sắp nổ ra, các nước nước đế quốc nhận thấy được mối đe dọa từ
chủ nghĩa phát xít đối với lợi ích của chính họ. Những ảo tưởng của các nước
này về việc lợi dụng chủ nghĩa phát xít tiêu diệt Liên xô đã tan vỡ. Chính phủ
Anh và Pháp mới có xu hướng đàm phán với Liên xô. Tuy nhiên, những tuyên bố đó
vẫn là trên chót lưỡi, chưa thật sự thực hiện triệt để những cam kết đối với
Liên Xô về vấn đề chống phát xít. Họ vẫn có thái độ bàng quan, thờ ơ, “tọa sơn xem hổ đấu” để làm “ngư ông đắc lợi” trong cuộc chiến này.
Chính thái độ này của ba
nước Anh, Pháp, Mỹ đối với phát xít và Liên Xô đã làm cho chủ nghĩa phát xít không
còn e dè trong việc chuẩn bị chiến tranh. Họ hô hào “chống chủ nghĩa cộng sản”, “chống Liên Xô” nhưng thật chất đều mà
chủ nghĩa phát xít hướng đến là một cuộc chiến tranh để phân chia lại thị
trường, phạm vi chiếm đóng và ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Chính phủ Anh – Pháp – Mỹ
đã có những hành động nhân nhượng, thỏa hiệp, dung túng cho chủ nghĩa phát xít
Đức – Ý – Nhật hoành hành nhằm thực hiện những ý đồ chiến lược sâu xa của mình_đó
là tiêu diệt Liên Xô. Còn các vấn
đề mà Liên Xô đưa lên thảo luận trong thời gian này trong các Hội nghị tại Hội
Quốc Liên, những cố gắng về việc thành lập các tổ chức tương trợ bảo vệ an ninh
tập thể thì lại không được chấp nhận. Những mâu thuẫn phức tạp và căng thẳng
giữa hai khối đế quốc Anh – Pháp – Mĩ và Đức – Ý – Nhật không hề ngăn cản những
thỏa hiệp giữa họ, đặc biệt là trong vấn đề chống Liên Xô. Như vậy, với chính
sách hai mặt của các cường quốc phương Tây đã tạo điều kiện cho phe phát xít
lợi dụng, kéo dài thời gian chuẩn bị mọi mặt hoàn chỉnh để thực hiện dã tâm của
mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Lê Văn Anh (CB), Hoàng Thị Minh Hoa, Đinh Thị Lan, Bùi Thị Thảo
(2013), “Lịch sử thế giới hiện đại”, Nxb Đại học Huế.
2.
Đỗ Thanh Bình (chủ biên), Nguyễn Công Khanh, Ngô Minh Oanh, Đặng
Thanh Toán (2008), Lịch sử thế giới hiện đại, quyển 1, Nxb Đại học sư phạm.
3.
Hoàng Thị Minh Hoa, Đinh Thị Lan, Trần Thị Vinh (1997), Đại cương
lịch sử quan hệ quốc tế, đại học Huế
4.
Nguyễn Lam Kiều, Nguyễn Anh Thái, Nguyễn Xuân Kỳ (1978), Lịch sử
thế giới hiện đại (1917-1929), Nxb Giáo dục.
5.
Vũ Dương Ninh (chủ biên),
Phan Văn Ban, Nguyễn Văn Tận, Trần Thị Vinh (2010), Lịch sử quan hệ quốc tế từ
thời cân đại đến kết thúc thế chiến thứ 2, Nxb Đại học sư phạm.
6.
Lê Văn Quang (2002), Lịch sử quan hệ quốc tế từ 1917 đến 1945, Nxb
giáo dục.
7.
Nguyễn Anh Thái (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Nguyễn Quốc Hùng, Vũ
Ngọc Oanh, Đặng Thanh Toán, Trần Thị Vinh (2002), Lịch sử thế giới hiện đại,
Nxb Giáo dục.
8.
Trần Thị Vinh (chủ biên), Lê Văn Anh (2008), Lịch sử thế giới hiện
đại, quyển 2, Nxb Đại học sư phạm.
Một số trang web tham
khảo
No comments:
Post a Comment